Phân biệt các thế hệ bóng đèn thông minh Philips Hue
Bóng đèn màu thông minh đầu tiên của hãng ra mắt thị trường vào tháng 10 năm 2012. Sau đó, lần lượt thế hệ 2,3 và 4 được giới thiệu vào năm 2015, 2016, 2019. Để có thể phân biệt về các thế hệ bóng đèn của Philips Hue, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn.
Nội dung chính
Phân biệt các thế hệ bóng đèn thông minh Philips Hue
GEN 1 | GEN 2 | GEN 3 | GEN 4 | |
---|---|---|---|---|
Năm phát hành | 2012 | 2015 | 2016 | 2019 |
Yêu cầu Philips Hue Bridge | Có | Có | Có | Không |
Độ sáng | 600 Lm | 800 Lm | 800 Lm | 800 Lm |
Tuổi thọ sản phẩm | 15,000 giờ | 25,000 giờ | 25,000 giờ | 25,000 giờ |
Khả năng lên màu chính xác | Chưa hoàn thiện | Cải thiện | Tốt | Tốt |
Khả năng làm mờ | OK | Tốt | Rất tốt | Rất tốt |
Tích hợp Bluetooth | Không | Không | Không | Có |
Bóng đèn màu thông minh của Philips Hue không ngừng được cải tiến qua từng giai đoạn, hình ảnh dưới đây sẽ cho bạn thấy những thay đổi trực quan của bóng đèn.
Gen 1 với giá thành hợp lý
Bóng đèn Philips Hue thế hệ 1 được phát hành vào tháng 10/2012 – được bình chọn là sản phẩm tiện ích tốt nhất vào năm đó. Đến thời điểm hiện tại, Gen 1 vẫn được khách hàng ưa chuộng vì giá thành thấp hơn so với phiên bản Gen 2, 3 và 4. Nếu người dùng chỉ có nhu cầu thắp sáng thông thường và tiết kiệm điện năng thì lựa chọn Gen 1 sẽ rất phù hợp với độ sáng 600 lumens, mức tiêu thụ điện năng 8.5W. Về thiết kế bên ngoài, bóng đèn Gen 1 có dáng tròn, trong khi các thế hệ sau cạnh bóng vuông hơn 1 chút. Thân dưới bóng màu bạc kèm chữ “PHILIPS” màu đen ở mặt trước.
Tuổi thọ của bóng đèn thay đổi theo thế hệ sản phẩm. Ở Gen 1 là 15,000 giờ thì từ Gen 2, 3 và 4 tuổi thọ đã được nâng cấp lên 25,000 giờ, điều này có nghĩa sản phẩm ngày càng trở nên bền hơn.
Gen 2 ánh sáng tốt hơn Gen 1
Tháng 10/2015, Philips đã ra mắt thế hệ thứ 2 của Philips Hue và Philips Hue Bridge. So với Gen 1, cải tiến rõ rệt nhất chính là độ sáng của Gen 2 ở mức 800 lumens, sáng hơn 25%. Ngoài ra, tính năng làm mờ ở Gen 2 đã được cải thiện – có thể xuống thấp hơn. Tuy nhiên, cả Gen 1 và Gen 2 khả năng lên màu đều chưa chuẩn.
Thân dưới bóng Gen 2 có màu trắng đục kèm dòng chữ thể hiện màu sắc của bóng (ví dụ: “PHILIPS Hue white and color”) màu đen mặt trước.
Gen 3 với nhiều màu sắc sống động
So với Gen 2, Gen 3 không có nhiều sự khác biệt về độ sáng cũng như chức năng, nhưng có một sự khác biệt lớn về màu sắc. Trước đây, màu xanh lục trên thế hệ 1 và 2 sẽ hiển thị dưới dạng màu vàng xỉn, màu xanh lơ có nhiều màu trắng và màu xanh lam gần giống màu tím; thì trên thế hệ 3 các màu đó hiển thị rõ và chuẩn màu hơn. Mặt khác, nếu bạn muốn sử dụng tính năng làm mờ nhiều thì Gen 3 là sự lựa chọn tốt nhất. Nó có thể làm mờ đến mức thấp nhất, chỉ còn 2%. Và Gen 2, Gen 3 chế độ bật nhanh hơn Gen 1.
Thiết kế thân dưới bóng Gen 3 màu trắng kèm chữ màu vàng. Đui đèn của Gen 1 và 2 là màu bạc thì đến Gen 3 là màu vàng. Đồng thời, người dùng có thể phân biệt ngay trên vỏ hộp của Gen 3 có logo hình bóng đèn màu sắc với dòng chữ “Richor colors”.
Gen 4 nâng tầm trải nghiệm ánh sáng
Bóng đèn Philips Hue thế hệ 4 kế thừa toàn bộ ưu điểm chiếu sáng của thế hệ 3, nâng tầm trải nghiệm ánh sáng với hơn 16 triệu màu và 50,000 sắc thái ánh sáng trắng.
Nhưng không giống như những bóng đèn Hue thế hệ trước phụ thuộc vào giao thức Zigbee để kết nối với bridge, loại bóng mới sẽ kết nối trực tiếp với điện thoại của bạn sử dụng chuẩn Bluetooth Low Energy 4.0. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể phần chi phí ban đầu khi bạn chỉ muốn trải nghiệm hệ thống chiếu sáng của Philips Hue.
Tuy nhiên, nếu muốn kết nối trên 10 bóng đèn và sử dụng những tiện ích điều khiển từ xa hay các dịch vụ của bên thứ 3 như: IFTTT, Friends of Hue, cảm biến chuyển động; và thiết lập ngữ cảnh thì cần có hỗ trợ của Philips Hue Bridge.
Nhận biết bóng đèn thông minh Philips Hue gen 4 (Bluetooth) thông qua 3 điểm sau:
- Thân dưới bóng màu trắng kèm dòng chữ màu bạc thể hiện màu sắc của đèn
- Điểm tiếp xúc chân bóng đèn màu trắng
- Ngoài vỏ hộp có biểu tượng Bluetooth góc trên bên phải.
Mỗi loại đèn Philips Hue lại phục vụ cho nhu cầu sử dụng khác nhau, nhưng để phát huy toàn bộ chức năng của đèn cần kết nối với một hub trung tâm, trái tim của hệ thống Philips Hue, đó là Philips Hue Bridge. Thiết bị này cũng nhận được sự đổi mới – cải tiến theo thời gian.
So sánh các thế hệ Philips Hue Bridge
Thiết bị điều khiển trung tâm Philips Hue Bridge có vai trò như bộ não trung tâm, giúp người dùng giao tiếp với các bóng đèn thông minh và đảm bảo mọi thiết bị hoạt động với nhau thông qua sóng Zigbee. Từ thế hệ 4, bạn có thể sử dụng các bóng đèn Philips Hue với sóng Bluetooth trong phạm vi gần, nhưng để sử dụng toàn bộ các chức năng thì vẫn nên có một Bridge.
Hue Bridge 1.0 có hình dáng tròn, trong khi Bridge gen 2 có hình vuông, được bo tròn góc, mang nét hiện đại hơn.
Nhược điểm của Gen 1 đó là không có mã quét HomeKit, nếu Bridge không tìm thấy thiết bị bằng sóng thì sẽ không thể kết nối với nhau. Đến Gen 2 đã cung cấp người dùng mã HomeKit, cho phép thêm thiết bị bằng 2 cách quét mã thủ công hoặc để Bridge tự tìm kiếm.
Khi lựa chọn bóng đèn Philips Hue, người dùng cần xem xét về độ sáng, cường độ màu, cũng như các tuỳ chọn khác có sẵn như làm mờ. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn xác định được sản phẩm phù hợp với không gian ánh sáng mà bạn mong muốn!